Mất Sổ đỏ – Cách xử lý và thủ tục xin cấp lại một cách chính xác
Khi sở hữu một Bất động sản, Sổ đỏ là giấy tờ quan trọng chứng minh quyền sở hữu hợp pháp và giá trị tài sản của bạn. Tuy nhiên, trong cuộc sống, chúng ta không tránh khỏi những trường hợp bất ngờ và không may mắn, như việc mất mát Sổ đỏ. Vấn đề này đòi hỏi chúng ta phải thực hiện các thủ tục xin cấp lại Sổ đỏ để bảo vệ quyền sở hữu của mình.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu thủ tục xin cấp lại sổ đỏ khi bị mất để đảm bảo quyền lợi về Bất động sản không bị ảnh hưởng.
1. Sổ đỏ là gì?
Sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) là một tài liệu pháp lý cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, xác nhận quyền sử dụng đất của cá nhân, tổ chức hoặc hộ gia đình đối với một mảnh đất cụ thể. Đây là một trong những loại giấy tờ quan trọng trong lĩnh vực đất đai và quản lý đất đai.
Thông thường, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ bao gồm các thông tin cơ bản sau:
• Thông tin về chủ sử dụng: Tên, địa chỉ và các thông tin cá nhân hoặc tổ chức của người sử dụng đất.
• Thông tin về đất đai: Địa chỉ chính xác của mảnh đất, diện tích, mục đích sử dụng đất và các thông tin khác liên quan đến tính chất của đất đai.
• Thời hạn sử dụng: Thời gian được cấp phép sử dụng đất, có thể là dạng sử dụng đất lâu dài, tạm thời hoặc theo khoảng thời gian nhất định.
• Các điều kiện và quy định khác: Có thể bao gồm các hạn chế về sử dụng, chuyển nhượng, kinh doanh trên đất đai, v.v.
2. Có được đề nghị cấp lại sổ đỏ bị mất không?
Theo Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, khi bị mất sổ đỏ người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp lại.
– Hộ gia đình, cá nhân có sổ đỏ bị mất phải khai báo với UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất về việc bị mất sổ đỏ.
– Sau khi tiếp nhận thông tin, UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm niêm yết thông báo mất sổ đỏ.
– Sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo, hộ gia đình, cá nhân bị mất sổ đỏ nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại sổ đỏ.
3. Hồ sơ cấp lại sổ đỏ bị mất
Theo khoản 2 Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/05/2014 quy định về hồ sơ địa chính thì hồ sơ cần chuẩn bị khi thực hiện thủ tục cấp lại sổ đỏ gồm có:
– Đơn đề nghị cấp lại sổ đỏ theo Mẫu số 10/ĐK (được ban hành kèm theo Thông tư 24/2014/TT-BTNMT);
– Giấy xác nhận của UBND cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất giấy trong thời gian 15 ngày đối với hộ gia đình và cá nhân; giấy tờ chứng minh đã đăng tin 03 lần trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương về việc mất sổ đỏ đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, cá nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư;
– Trường hợp mất sổ đỏ do thiên tai, hỏa hoạn thì phải có giấy xác nhận của UBND cấp xã về việc thiên tai, hỏa hoạn đó;
– Ngoài ra, cần chuẩn bị thêm bản sao chứng thực Căn cước công dân / Chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu để nộp cùng với hồ sơ đề nghị cấp lại sổ đỏ.
4. Thủ tục xin cấp lại Sổ đỏ khi bị mất thế nào?
Điểm k khoản 1 Điều 99 Luật Đất đai 2013 nêu rõ, người sử dụng đất bị mất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ) được đề nghị cấp đổi hoặc cấp lại.
Theo đó, căn cứ Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, thủ tục xin cấp lại Sổ đỏ khi bị mất như sau:
Bước 01: Khai báo về việc bị mất Sổ đỏ
– Người sử dụng đất trực tiếp hoặc làm đơn khai báo về việc mất Sổ đỏ tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất.
– Khi tiếp nhận sự việc, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện niêm yết công khai thông báo mất Sổ đỏ tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, thời hạn niêm yết thông báo là 15 ngày.
Bước 02: Chuẩn bị hồ sơ
Người sử dụng đất chuẩn bị hồ sơ xin cấp lại Sổ đỏ gồm các giấy tờ sau (căn cứ khoản 2 Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT):
– Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận.
– Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về việc đã niêm yết thông báo mất giấy trong thời gian 15 ngày đối với hộ gia đình và cá nhân (hoặc giấy tờ chứng minh đã thực hiện đăng tin 03 lần trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương về việc mất sổ đỏ đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, cá nhân nước ngoài,…)
– Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân còn thời hạn.
Bước 03: Nộp hồ sơ đề nghị cấp lại Sổ đỏ
Căn cứ Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, người sử dụng đất có nhu cầu cấp lại Sổ đỏ có thể nộp hồ sơ theo một trong hai cách sau:
Cách 1:
Nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi có nhà đất nếu có nhu cầu.
Cách 2:
Trường hợp không nộp tại UBND xã:
– Nếu địa phương đã tổ chức Bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính thì nộp tại Bộ phận một cửa cấp huyện.
– Nếu địa phương chưa tổ chức Bộ phận một cửa thì nộp trực tiếp tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đối với địa phương chưa có Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Bước 04: Tiếp nhận hồ sơ và thực hiện các công việc:
– Kiểm tra hồ sơ xin cấp lại Sổ đỏ;
– Thực hiện trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính;
– Lập hồ sơ trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký quyết định hủy sổ đỏ bị mất và ký cấp lại sổ đỏ;
– Thực hiện chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai theo quy định pháp luật;
– Trả kết quả cho người sử dụng đất.
Bước 05: Nhận kết quả
Người sử dụng đất nhận kết quả là sổ đỏ đã được cấp mới theo quy định sau khi đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính (nếu có).
5. Thời gian cấp lại Sổ đỏ là bao lâu?
Theo điểm q khoản 2 Điều 61 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, được sửa đổi tại khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, thì thời gian cấp lại sổ đỏ là không quá 10 ngày.
6. Chi phí xin cấp lại Sổ đỏ
Theo Thông tư 85/2019/TT-BTC, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền ban hành phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử đụng đất.
Theo đó, phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là khoản thu đối với công việc thẩm định hồ sơ, các điều kiện cần và đủ đảm bảo việc thực hiện cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Căn cứ quy mô, diện tích của thửa đất và tính chất phức tạp của từng loại hồ sơ, mục đích sử dụng đất và điều kiện cụ thể của địa phương để quy định mức thu phí cụ thể.
Lời kết:
Trên đây là thủ tục xin cấp lại Sổ đfỏ khi bị mất. Chúng tôi hy vọng bài viết này đã cung cấp thông tin hữu ích và giúp bạn hiểu rõ hơn về quy trình xin cấp lại Sổ đỏ. Hãy luôn chú ý và giữ gìn Sổ đỏ cũng như các giấy tờ quan trọng khác để bảo vệ quyền lợi và sở hữu của bạn đối với Bất động sản. Cảm ơn bạn đã đọc và hy vọng bạn sẽ áp dụng những kiến thức này vào cuộc sống hàng ngày.